Pages

Tuesday, February 20, 2018

Mồng 3 Tết Về Long Xuyên



Những năm mới “giải phóng” miền Nam nghèo xơ xác, vựa lúa mà dân phải ăn độn “cao lương” là hạt bo-bo, vốn là thứ hạt ở nước ngoài cho bò, ngựa, nói chung là súc vật ăn. Xe hơi chạy trên đường không được tu sửa, ổ gà thành ổ voi. Năm nào cũng như năm nào, tôi tình nguyện trực sáng Mồng Một Tết, sau phiên trực, tôi về nhà rồi ra Bến xe Miền Tây, xếp hàng rồng rắn, mua vé có giấy giới thiệu của cơ quan, nhưng thường là nếu chờ đợi lâu quá, tôi phải mua vé chợ đen, nhiều khi phải đi xe chuyền, về tới Cần Thơ hết xe, phải đi xe Lam về Thốt Nốt, từ Thốt Nốt lại đi xe Lam về Bắc Vàm Cống, nơi đây đi xe Lam về Long Xuyên, lại phải đi chuyến xe lôi vào chợ Phú Hòa, từ đây cuốc bộ về nhà anh tôi, ngủ một giấc sáng sớm Mồng 2, cùng anh tôi về nhà cũ ở cù lao Năng Gù, lạy ông bà, thăm thân nhân, mồ mả. Đó là “chuyện xưa”, không ai muốn nhớ lại.

Năm nay Mồng 3 Tết, nhà tôi và tôi đi Long Xuyên, về ngôi nhà cũ lễ tổ tiên, ngôi nhà nầy không phải là nơi “chôn nhao cắt rún” của tôi, mà là nơi cha mẹ tôi mua đất, dựng nhà về sau anh kế tôi sửa sang lại, sau 1975 anh tôi dời về quê ngoại làm ăn, nên để lại cho vợ chồng em gái tôi ở.

Chẳng những nó là di tích kỷ niệm của cha mẹ chúng tôi, mà còn là nơi thờ tự ông bà cố, ông bà nội và cha mẹ tôi. Nó trở thành phủ thờ, mặc dù cha tôi không phải là con trai trưởng nam, cũng không phải là con trai út, nhưng vì cha mẹ tôi đã phụng dưỡng bà nội tôi, mà bà nội tôi thờ tự ông bà, nên sau khi bà nội tôi qua đời, cha tôi tiếp tục việc thờ phụng trong gia đình.


Chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm trước sân nhà, sau đó đi đến Phủ thờ họ Dương, bà cố tôi gọi ông Dương Văn Hóa là ông Cố, ông là người thành lập làng Bình Lâm, nay là làng Bình Thủy, cho nên tôi đến Phủ thờ để lạy, nhưng tiếc không có ai mở cửa, tôi chỉ lạy phần mộ của ông, trước kia chôn cất trong phần đất bà Cố tôi, năm 2014 mới cải táng về trong khuôn viên Phủ thờ.


Thấy trong Đình mở cửa, tôi vào lạy Thần hoàng, trước bàn thờ của Thần hoàng, có bàn thờ đặt linh vị ông Dương Văn Hóa, được làng tôn vinh là Tiền Hiền. Trong đình có đôi liễn đúc xi-măng do cha tôi làm khoảng năm 1950, trong đình có phóng ảnh sắc phong Thần hoàng, riêng tôi có bản nháp hương chức làng làm tờ tấu chương, gửi triều đình Huế xin vua phong Thần hoàng cho đình tôn thờ., cúng kiếng.


Rồi tôi về nhà chị tôi ở Bình Hòa, gần chợ Vàm Nha dùng cơm trưa và chụp ảnh kỷ niệm với chị tôi và các cháu.


Định là về Long Xuyên rồi hôm sau sẽ đi ở Tràm Chim trong Đồng Tháp Mười, nhưng tôi được điện thoại, có việc cần về gắp để giải quyết, trên đường về chúng tôi ghé thăm đứa cháu, chủ hiệu ăn Hòa Phát ở tại chợ Long Xuyên.


Qua Bắc An Hòa đã hơn 4 giờ chiều, trời chuyển cơn mưa vần vũ, xe chạy đến khoảng Mỹ An Hưng A trời bắt đầu mưa to mịt mù tầm nhìn không xa, xe phải chạy chậm, có lẽ đến Mỹ An Hưng B trời mới ngưng mưa, xe chạy sát bờ sông Tiền Giang, cảnh trời chiều mưa trông rất buồn của một buổi chiều tà.


Xuống Bắc, nhìn về hướng Đông thấy cây cầu Cao Lãnh xây sắp xong, trong giống như cầu Mỹ Thuận và cầu Vàm Cống, nhưng ngắn hơn, có lẽ sẽ hoàn tất vào tháng 4.


Qua khỏi Cao Lãnh rồi đến Mỹ Thọ, trời bắt đầu tối gợi cho tôi nhớ khoảng năm 1985, tôi đi xe lôi từ Mỹ Thọ vào đến Mỹ Quý, từ đây đi vào Mỹ An, đường vắng mà phải đi trong đêm tối cùng với một người bạn đường xa lạ với cậu cháu trai anh ta, chúng tôi đi trên đưỡng tối thui, hai bên không nhà cửa, đi từ 7 giờ tối cho đến hơn 9 giờ đêm mới vào tới chợ Mỹ An, nơi đặt trụ sở huyện Tháp Mười. Chuyến đi đó làm cho tôi nhớ đời. Hôm sau, tôi có gặp anh học trò cũ tên Liệt làm việc ở Phòng Công nghiệp huyện, anh Trưởng phòng và Liệt đưa tôi đi thăm Vườn Cò. Sau đó, chúng tôi xây dựng nhà máy đường tại Ngã Bảy, đây là nơi hội tụ của 7 con kinh, thông ra Mỹ Tho và Long An.

Hơn 7 giờ đêm, chúng tôi vào thị xã Mỹ Tho, đến quán chay Bồ Đề dùng cơm tối, buổi sáng chúng tôi đã ăn điểm tâm tại đây. Buổi tối đầy khách cả 2 quán gần nhau ở cuối đường Trần Quốc Toản, gần bờ sông.


Về đến Sàigòn đã hơn 9 giờ đêm, kết thúc một chuyến đi vào dịp Tết. Tuy có mệt, nhưng có thêm kỷ niệm một chuyến đi về nhà trong ngày, hơi hy hữu.

Xem thêm hình ảnh tại:
866420022018



No comments:

Post a Comment