Pages

Monday, February 26, 2018

Họp Mặt Tri Ân Thầy, Cô Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng 2018



Năm nay, cũng như những năm trước các anh Trần Bình Đức, Đỗ Thọ Bình và Nguyễn Văn Châu tổ chức họp mặt Cựu Học Sinh Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng nơi Nhà hàng 241 tại địa chỉ số 45 đường Phạm Viết Chánh, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Tp. HCM. gọi là Lễ Tri ân và chúc Tết quý Thầy, Cô giáo cũ.

Giấy mời ghi 8 giờ 30, nhưng đến 9 giờ 30 tôi mới khởi sự đón xe lên đường, cho nên khi đến nơi thì quý Thầy, Cô và các đồng môn đã ngồi hơn phân nửa phòng tiệc.

Trước tiên tôi đảo mắt nhìn quanh, để xem các đồng môn của tôi đến chưa, tôi thấy có 3 bàn Thầy, 1 bàn Cô vì họ được Ban tổ chức gắn cho cái hoa hồng trên áo, để phân biệt với cựu học sinh, trong đó một bàn có Thầy Cù An Hưng, Phan Đình Du, Vũ Hữu Thuận, Lý Thuận Thành, Thầy Cô Lê Văn Thống và quý Thầy khác nay tôi không nhớ tên.

Tôi nói với Thầy Hưng theo tục ngữ “Mồng Một ngày cha, mồng Hai ngày mẹ, mồng ba ngày Thầy, hôm ấy định đến thăm Thầy chúc Tết, nhưng tiếc quá vì phải về Long Xuyên, Thầy bảo tôi: “Thế được rồi !”. Tôi chụp với Thầy vài tấm ảnh.


Ngay lúc đó các anh chị Cựu học sinh Nguyễn Trường Tộ - Phan Đình Phùng đến chào tôi, nào là Nguyễn Thị Nở, Lâm Khương Tiến, Bs Bùi Huy Hảo, Nguyễn Thanh Quan tôi nhờ Hảo chụp cho vài tấm ảnh.


Người đứng chờ nói chuyện với tôi khá lâu đó là thầy giáo Lý Thuận Thành, học sinh Cao Thắng đặt cho anh biệt danh là Lý Dăm Bào, vì anh dạy Mộc hay Kỹ nghệ Gỗ  Nguyễn Trường Tộ, sau nầy dạy tại trường KT Cao Thắng.

Đặc biệt hôm trước Tết, Đỗ Thọ Bình có điện thoại báo cho tôi biết Lý Thuận Thành đang ở Vĩnh Long, nghe tôi về sẽ lên tham dự, cho nên khi thăm hỏi Lý Thuận Thành, tôi không quên cám ơn anh đã nghĩ đến tôi, tình đồng nghiệp thật là ấm áp, làm cho tôi nhớ đến thời gian gần 50 năm trôi qua, đó là năm 1972, khi chúng tôi đi canh gác Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức, có đêm anh từ Giồng Ông Tố đến, có đêm anh mời sang đó nhậu, vì anh có V2 ở đó, chúng tôi sợ VC nào dám đi.

Anh Thành giới thiệu với tôi người phụ nữ đứng cạnh là vợ anh, tôi thấy chị ấy chừng trên 50, anh cho biết: “Đây là bà 3, bà 2 chết lâu rồi”.


 Chúng tôi chào Thầy Cô Lê Văn Thống, trông thầy có vẻ khỏe mạnh hơn trong năm, lần họp mặt Tân Niên 2018 của đồng môn Cao Thắng chúng tôi. Thầy Thống có người anh là Nha sĩ René, trước 1975 có phòng hành nghề ở gần thương hiệu máy may Singer, là bạn của nhạc gia tôi. Thầy Thống và tôi ngày xưa thường được mấy anh bạn Quan Thuế mời tiệc tùng, vì con em họ hoặc học Cao Thắng hoặc Nguyễn Trường Tộ, cho nên có thể xem thầy Thống vừa là đồng nghiệp vừa là bạn nhậu.

Ngồi kế thầy Thống là anh Phan Đình Du và Vũ Duy Thuận, chắc là khách mời vì cả 2 anh đều là thầy giáo NTT – PĐP. Tôi bắt tay chào hỏi anh Du vừa xong, định chào anh Thuận, nhưng có cậu cựu học sinh NTT đứng sau lưng chào, tôi quay lại chào hỏi rồi quên bắt tay và chụp ảnh với anh Thuận.

Tôi rời chỗ đó sang bàn kế, vì nhìn thấy có thầy Nguyền Kim Chi. Thời đi học, anh Chi hình như ở đâu chuyển về, nhưng lên đệ nhị cấp học chung với tôi từ các năm 1960, 1961, 1962. Sau đó, anh Chi dạy lại Cao Thắng tôi không rõ anh Chi học ở đâu, nhưng chắc là không học Cao đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật.


Tôi và anh Chi chào hỏi xong, tôi nhìn thấy đối diện anh Chi có thầy Nguyễn Văn Nhâm và Trần Phác Lạc, Nhâm có vẻ yếu hơn năm rồi, Nhâm và tôi cùng đi khóa 27 SQTĐ, sau khi ra trường mang cấp bậc Chuẩn Úy, chúng tôi được chọn đi học Sĩ Quan Quân Cụ Cơ Bản, ám số chuyên nghiệp 772, rồi tôi học tiếp chuyên ngành Quân Xa có ám số chuyên nghiệp 775, tôi không nhớ Nhâm được học chuyên ngành chi, cũng như tôi hay Đạn Dược.

Năm ngoái Nhâm cho địa chỉ và số điện thoại, tôi có đi thăm Nhâm ở đường Lam Sơn, gần hồ tắm Chi Lăng, tôi có giới thiệu cho Trần Minh Nhựt ở West Virginia, Nhựt đã về Việt Nam tìm thăm Nhâm. Nhựt và tôi là bạn đồng môn Cao Thắng, đồng ngũ Trung đội 7, Đại Đội 2, Tiểu đoàn 1 khóa 27 SQTĐ, rồi Khóa sinh Trường Quân Cụ, nên Nhâm, Nhật và  tôi quen biết nhau trong đời quân ngũ ở ngành Quân Cụ.


Sau khi trò chuyện và chụp ảnh với Nhâm, tôi chụp ảnh với anh Lạc, anh vừa là đồng môn ở Cao Thắng và CĐSPKT, cả 2 Trường anh đều là đàn anh của tôi. Anh có con ở Mỹ, nên hàng năm thường qua Mỹ thăm con, nhơn đó anh dự Họp mặt KT Cao Thắng ở Cali, có khi anh và tôi cùng dự, nên có gặp nhau. Gần đây anh sử dụng email, nên thỉnh thoảng chúng tôi trao đổi tin tức, thăm hỏi nhau.


Lần nầy gặp thầy Nguyễn Văn Hội, anh cho biết mới uống cà-phê ở gần nhà anh Lạc, ý anh muốn nhắc tôi nhớ lại, cả 3 chúng tôi uống cà-phê ở đó, để nhắc chuyện xưa. Lần nầy anh cũng nhắc chuyện có lần đi về Long Xuyên gác thi, đến nhà tôi ăn món đặc sản “mắm cá lóc chiên”, anh bảo chưa từng ăn, nhưng nhớ đời nên lần nào gặp lại anh cũng nhắc chuyện nầy. Tôi cứ nhớ kỷ niệm năm đó khi về Sàigòn, xuống Bắc Vàm Cống, bị mấy người bán vé số quấy nhiễu, nên mỗi người mua 1 tờ, mua xong gộp lại công ty, năm đó 1 tờ trúng 20,000.00 đồng, một tờ an ủi 500.00 đồng. Hai chục ngàn thì chia đôi, còn 5 trăm đồng thì lãnh xong ở Tổng Nha Ngân Khố trên đường Nguyễn Huệ, ra ngoài đường phía bên cạnh có hột vịt lộn với bia hơi, chúng tôi cùng nhau tiêu hết số tiền an ủi nầy.

Ở bàn giữa hội trường, tôi có thấy, nên đến chào thầy nguyên Hiệu Trưởng Lê Đình Viện và thầy Phạm Xuân Khai ngồi bên cạnh, thật ra khi thầy Viện làm Hiệu Trưởng, tôi đã rời khỏi trường từ năm 1964, còn thầy Khai dạy tôi năm Đệ Lục hay Đệ Ngũ về Vật lý hoặc Hóa học. Thầy Trần Văn Truyền, ngồi đối diện thấy tôi, kéo tôi ra đứng riêng nhờ ai đó chụp ảnh bằng Ipad, tôi cũng thấy thầy Lê Văn Quang dạy KNG, ngồi cạnh anh Truyền, nên có bắt tay chào Quang nhưng không kịp nói chuyện, Quang và tôi cùng dạy và cùng rời khỏi Trường KT Banmêthuột năm 1970, Quang về Cao Thắng, tôi về Nguyễn Trường Tộ.

Thầy Nguyễn Văn Quyền gặp tôi, kéo nhau ra chỗ khác ngồi nói chuyện, anh Quyền cho biết vào buổi trưa ngày 10-3-2013 anh em Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật sẽ họp mặt đồng môn tại Nhà hàng 241, tức là cùng địa điểm nầy. Tôi cho biết, rất tiếc tôi không tham dự được, vì lúc đó tôi đi thăm anh Nguyễn Văn Phấn ở Úc.


Đồng môn Lê Hiệp chào hỏi tôi, đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, rồi Tiến và Nở đến cùng chụp ảnh.

Sau đó, tôi đi tìm Trần Xuân Minh, Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Văn Khì tức Tư Trung nhưng chỉ gặp anh Nguyễn Xuân Thới đang ngồi với các anh cựu học sinh NTT, các anh cho biết có học với tôi lớp 9E năm 1970, đó là năm đầu tiên từ Trường KT Banmêthuột đổi về, tôi được phân công chỉ dạy có 1 lớp 9. Chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm.


Tôi gặp Huyện, anh không nhớ tôi mặc dù năm ngoái Họp mặt Ban CĐSPKT cũng tại đây, phu nhân của anh cùng dự, năm nay con trai anh đưa đi, vì anh bị tai biến mạch máu não. Cũng như anh Hội còn có Đỗ Hoàng Bá họp mặt Ban CĐSPKT, các anh dự họp, miệng luôn mĩm cười, có lẽ các anh đi họp mặt để hưởng được không khí vui tươi, hơn là ở nhà luôn bị cô đơn, nhàm chán.

Cuối cùng có Hướng đến, Hướng rủ anh Nguyễn Xuân Thới sang bàn chúng tôi, rồi 2 anh CHS NTT là Nguyễn Tấn Hưng và Âu Bắc Tiến đến ngồi với chúng tôi, thêm nữa có anh Hùng từ Cali về, có lúc thầy Châu vừa là học sinh vừa là thầy ở THKT Cao Thắng đến bàn chúng tôi giao duyên, anh Châu từ Cali về Việt Nam 2 ngày trước. Thêm vào đó có 3 chị được phân công tiếp tân, ghi danh và thu tiền đóng góp, các chị tích cực làm xong việc, thấy không còn ai đến nữa, nên vào ngồi chung bàn với chúng tôi.


Mở đầu buổi lễ, anh Đỗ Thọ Bình đọc diễn văn khai mạc, chào mừng quý Thầy Cô và đồng môn tham dự, anh thay mặt toàn thể đồng môn, chúc sức khỏe quý Thầy, Cô và gia đình, anh cũng báo cáo chi tiết anh chị em ủng hộ, đóng góp.

Thầy nguyên Hiệu Trưởng Lê Đình Viện được mời phát biểu, Thầy cũng nói vài lời rồi chúc sức khỏe cho mọi người tham dự. Sau đó còn vài người được mời phát biểu, tiếp theo buổi tiệc bắt đầu, có vài anh chị em lên sân khấu trình diễn ca nhạc giúp vui.

Tôi cũng gặp anh Hưởng, thầy giáo ở Trung Học Kỹ Thuật An Giang, lâu lâu mới gặp nhau một lần, nhưng may quá, tôi vẫn nhớ được anh.


Có một em đến chào tôi, trông em rất trẻ, trắng trẻo, tôi không nhận ra là ai, hỏi ra  mới biết em là Tài ở Canada. Lúc đó tôi nhớ ra Tài có học với tôi, là con anh Tùng làm  Quan thuế. Những anh Quan thuế quen thân với anh Tổng Giám Thị Trần Văn Sáng đều có mời tôi đi ăn nhậu khi ở Sàigòn, khi ở Chợ Lớn, có lúc lên tận Biên Hòa, trong đó có anh Tùng, anh Điện … nhưng thân hơn cả là anh Tùng, trước gia đình anh được cấp nhà trên đường Yên Đỗ, sau 1975 anh bị chuyển nhà vào trong hẻm đường Đồng Khánh Chợ Lớn, vài năm sau được bảo lãnh đi định cư ở Canada. Nay hỏi, Tài cho biết cả anh chị Tùng đều đã qua đời. Buồn quá, một nén hương lòng tưởng nhớ tới anh Tùng, anh Sáng, ông Trân những người đã đi qua đời tôi bên ly bia đầy bọt.


Anh Lý Văn Khánh năm ngoái có đưa cho tôi 1 quyển sách nhờ tôi đem về Mỹ, tặng cho anh Hồng Văn Thêm ở Nam Cali, tôi đã xin anh Thêm địa chỉ khi chúng tôi cùng dự Hội ngộ KTCT vào năm rồi ở San Jose, sau đó tôi gửi qua Bưu điện tập Kỷ yếu kỷ niệm 110 năm ngày thành lập trường Cao Đẳng Nghề Cao Thắng.


Tiệc đã tàn, trên sân khấu vẫn còn vài anh hát, người tham dự Thầy, Cô và đồng môn đã ra về gần hết. Ba cô phụ trách, trước khi ra về, chụp với tôi tấm ảnh kỷ niệm, các cô cho biết: “Chúng em học chung lớp với Hoài Hương”. Tấm ảnh nầy hy vọng sẽ tới dưới mắt Hoài Hương, để có lý do nhớ bạn mình.


Hướng rủ tôi tới nhà Trần Xuân Minh, để biết vì sao Minh vắng mặt. Tôi ngại, vì không có mũ bảo hiểm, nhưng Hướng cho biết: “Không sao! Tôi có quen ở quận nầy mà”.

Tôi nói thêm với Hướng: “Tôi dự đám cưới con anh, khi ra về Hưng nhất định chở tôi về nhà, Hưng nói - dọc đường em sẽ mua nón cho Thầy đội. Chẳng may gặp công an, em sẽ lấy bác ra chùi miệng hắn – còn anh sẽ làm sao ? ” Hướng nói cho tôi an tâm: “Đừng lo !”

Đến nhà gặp vợ Minh, chị mở cửa cho chúng tôi vào nhà, rót nước mời chúng tôi uống, rồi mới kêu cho Minh biết nhà có khách. Minh từ trên lầu xuống vừa đi vừa mặc áo. Minh cho biết sáng nay định đi, nhưng do bà xã nhờ đưa đi chùa Giác Minh, Trấn Quốc … nên không đi dự họp mặt được. Rồi Minh gọi Tường đến, Minh cho biết vì nhà có con rể về ở, nên lấy nhà trọ gần đây cho Tường ở tạm, để Thứ Hai Tường đi khám ở bệnh viện, khám xong mới về Cần Thơ.

Minh lại mời Tường và tôi mỗi người 1 lon bia Tiệp nửa lít, còn Hướng không uống thêm. Đã uống với Hưng nhiều rồi, lại bị lon bia Tiệp, lại do Tường uống không hết, Minh lại bắt hai đứa gánh thêm. Thôi thì đành vì bạn vậy. Uống cạn ly bia, thấy ngồi đã lâu, trên 2 giờ đồng hồ, tôi kiếu từ ra về. Khi ra tới cửa Minh dặn Hướng: “Ngày 15, bọn mình hốt hụi, Hướng rước Tông đến Đào Duy Từ nghe”. Tôi nghĩ: Độ nầy mới chấm dứt, đã gài độ khác, cho nên theo báo chí cho biết, người Việt Nam tiêu thụ hơn 4 tỉ lít bia năm 2017, với dân số 93,700.000 người, trung bình mỗi người uống 43 lít bia năm.

Nhưng nói đi phải nói lại, bạn bè quý nhau ơ chỗ còn mời mọc nhau khi ly rượu, lúc chén trà.

Có đều tôi rất ân hận, là tôi có giới thiệu để mời anh Lê Đình Cần đồng môn Cao Thắng, CĐSPKT đến dự, anh ở Hawaii về, tôi có chào hỏi nhưng chưa trò chuyện nhiều cùng anh và không thấy có tấm ảnh nào của anh trong máy của tôi. Không ngờ anh Nguyễn Văn Hiếu đã ghi được hình ảnh của anh Nguyễn Xuân Thới và Lê Đình Cần, nhờ đó tôi ghép vào Video Clip ở dưới.


Phải chăng vì đông quá, vui quá, tôi đã có nhiều thiếu sót với đồng môn và cả CHS NTT - PĐP của tôi.

Mời xem thêm hình ảnh tại:
866426032018




 

Saturday, February 24, 2018

Viếng chùa Vĩnh Tràng



Tôi có hẹn họp mặt với mấy người bạn đồng môn KTCT, tại quán ăn trên đường Đào Duy Từ, quận 10 Tp. HCM, trong đó có người bạn nghe tôi về, nên từ Cần Thơ lên tham dự, nhưng rất tiếc tôi phải đi đám tang chú vợ Bùi Thế Quân ở thị xã Mỹ Tho, vì nghĩ rằng các đồng môn còn có dịp gặp lại, nhưng đám tang không thể bỏ qua vì đời người chỉ có 1 lần thôi.


 Trước Tết, sau khi đi tảo mộ nhạc mẫu chúng tôi ở Tầm Vu, khi về ghé chợ Tân An thăm người bà con là cô Chín Anh từ California về, lại rủ nhau xuống Mỹ Tho thăm người bà con khác đó là chú Quân. Trong họ hàng bên nhà tôi, cô Chín Anh con bà thứ ba, chú Quân là con người thứ tám, nhà tôi là cháu nội bà thứ hai. Tối hôm qua tôi được điện thoại từ người chị thứ bảy của chú Quân, báo cho biết chú ấy vừa mới mất do đột quỵ, sau đó cô Chin Anh từ Cali cũng gọi về báo cho biết là chú Quân đã mất và trong Tết một chú khác, con ông thứ Chín cũng đã mất ở Trung tâm nuôi dưỡng người cao niên và khuyết tật tỉnh Long An.

Con rể tôi cũng có quen biết chú Quân qua những người bạn chơi cây cảnh và Phong lan, nhân đó con rể tôi đưa đi viếng tang, có cậu em vợ tôi đi cùng.

Sau khi viếng tang, chia buồn cùng thân quyến, chúng tôi kiếu từ ra về, nhân tiện ghé qua viếng chùa Vĩnh Tràng, là một ngôi chùa xưa, đôi khi đi xe về Miền Tây hay đi Bến Tre, xe có chạy ngang qua chùa, nhưng nhà tôi và tôi chưa có dịp viếng chùa, lễ Phật, nên nhân dịp nầy chúng tôi ghé qua, tham quan ngôi chùa xưa.
 

Chùa rất đẹp, được xây cất từ năm 1849 và 1907, có lẽ ngôi chánh điện và cổng ra vào được xây cất vào năm 1907 cho nên có nét tân kỳ ảnh hưởng phong cách nhà cửa phú hộ miền Nam xây cất theo Âu châu vào đầu thiên niên kỷ 20. Được biết chùa do ông bà Tri huyện Bùi Công Đạt đóng góp xây dựng. Nên ở hậu tổ có thờ tượng của ông.


Chùa có 2 cổng ra vào, một cổng tay trái đi thẳng vào bên trái chánh điện, cổng tay phải đi vào nhà Tổ có chữ Tịnh thổ huyền môn.


Lối đi ở cổng bên tay phải, bên tay trái có hồ sen, hòn giả sơn, qua khỏi đó có nhiều tháp của chư vị trụ trì và tăng chúng đã quá vãng. 


Phía trước chùa, ngăn cách bởi một con đường là một vườn hoa, có tôn trí tượng đức Phật A Di Đã cao 18 thước, ađạt trên bệ cao 6 thước, được xây dựng năm 2007.


Phía tay phải của chùa là công viên chùa Vĩnh Tràng, rộng 5,000 thước vuông, tôn tượng đức Di Lặc được khởi công xây dựng từ năm 2009, tượng được tôn trí trên bệ có chều dài 27 thước, rộng 18 thước, cao 20 thước, tượng đúc bê tông cốt thép nặng 250 tấn, mặt bằng phía dưới tượng là 1 trệt, một lầu, ầng trệt là phòng họp BTS Tỉng Giáo Hội và 4 phòng khách tăng, tầng lầu là Bố Tát Đường dành để tụng giới vào 14 và 29 âm lịch hàng tháng.


Trong khuôn viên, phía sau chùa có tôn tượng đức Phật nhập Niết bàn, được khởi công vào ngày 15-2-2012 và hoàn thành vào ngày 15-2-2013, khánh thành ngày 26-3-2013. Tượng có đế dài 35 thước ngang 18 thước, cao 7 thước, xây bằng xi măng cốt thép, thân tượng dài 32 thước, cao 10 thước, nặng 250 tấn. 


Trong chùa có nhiều tượng xưa bằng gỗ hoặc bằng đồng, Tượng đức Bổn sư tôn trí ở Chánh điện đơn giản và rất tôn nghiêm. Những cột kèo và bao lam bằng gỗ. Đây là một trong 3 ngôi chùa của Thiền Tông thuộc phái Lâm Tế là Giác Lâm  Sàigòn, Tây An Cổ Tự tại Núi Sam, Châu Đốc và Vĩnh Tràng Tự ở Mỹ Tho.

Sau khi lễ Phật, chúng tôi rời chùa, con rể tôi đi đến vườn lan ở vùng Cần Giuộc, để mua phong lan Dendrobium trồng cho khách hàng.


Dọc đường về Sàigòn, cũng như hôm Mồng 4 Tết, nhiều người về quê ăn Tết, nay trở lại thành phố, xe chạy thành đoàn tấp nập, xe chở đôi, chở ba, chở theo những thứ bao, túi trong đó có nông phẩm, gà, vịt là quà của gia đình, thân nhân cho mang về thành phố, gói ghém bao nhiêu tình cảm thân thương.


Tiếc, tôi đã bỏ lỡ một dịp gặp gở đồng môn, nhưng tôi có một ngày đi viếng chùa xưa, lễ Phật lớn và viếng một người đã qua đời, mà chúng tôi vừa mới thăm viếng trong năm. 

866425022018