Pages

Friday, April 29, 2016

Võ Đức Thu




(1911-1964)
Nhạc sĩ Võ Đức Thu sinh năm 1911, tại Sàigòn, thân phụ ông là giáo sư trường Tabert, khi còn là học sinh trường nầy, thân phụ ông đã được học vĩ cầm và phong cầm với các Sư huynh, cũng là nhạc sĩ thường hòa nhạc với các nhạc sĩ ngoại quốc ở Hotel des Nations xưa ở góc Boulevard Bonard (Lê Lợi) và Charner (Nguyễn Huệ) khu Eden.

Võ Đức Thu được học đàn rất sớm với thân phụ, năm lên bảy, ông học dương cầm và theo lớp hàm thụ Sinat tại Pháp để học phần lý thuyết. Bài học do thân phụ ông giảng giải lại.

Năm 1925, lên mười, Sàigòn mới bắt đầu mở trường dạy Âm nhạc dưới sự hướng dẫn của giáo sư ngoại quốc, tức là École de Musique de Saigon, thường được gọi là Philharmonique, ông được cái hân hạnh là người Việt độc nhất được theo học lớp dương cầm với các khóa sinh ngoại quốc, mặc dầu tuổi hãy còn nhỏ. Cũng năm ấy, ông chiếm được giải danh dự về dương cầm - Prix d’Honneur de Piano.

Sau đó, ông ngỏ ý với thân phụ muốn sang Pháp để được tiếp tục học tại Nhạc viện quốc gia Pháp, nhưng vì gia đình không dư giả, nên ông phải ở nhà, tiếp tục học riêng với bà Armande Caron vốn giải nhứt về dương cầm và hòa âm Nhạc viện quốc gia Pháp. Trong những năm này, ông thường được các ban nhạc ngoại quốc, mời đệm dương cầm trong những buổi hòa nhạc tại nhà Hát lớn Đô thành và tại Philharmonique.

Năm 1937, ông bắt đầu dạy dương cầm, số nhạc sinh của ông rất đông, gồm có người Việt, người Pháp, người Hoa, người Ấn, người Nhật, người Hoa Kỳ, ông nhận thấy trong số này, có một số người Việt được học hỏi ở nước ngoài, đã thành tài và đã nổi danh.

Ngoài những giờ dạy nhạc, trong bảy năm liền, vì sinh kế, ông đã gia nhập một ban nhạc ngoại quốc để hòa nhạc mỗi buổi chiều tại Khách sạn Palace, và đây là một dịp may để cho ông học hỏi thêm về nhạc Cổ điển Tây phương, vì ban nhạc này gồm có những nhạc sĩ có tiếng như Yvonne Leclerc, đoạt giải nhất về violon Nhạc viện Quốc gia Pháp, Renée Bondie đoạt giải nhất về violon Nhạc viện Toulouse, Becchi tốt nghiệp Nhạc viện Milan về violoncello, Charles Roques đoạt giải nhất về bassoon Nhạc viện Quốc gia Pháp.

Năm 1940. một trong những nỗi vui lớn của ông là thành lập ban nhạc cho hội Đức trí Thể dục, gồm toàn người Việt và điều khiển ban nhạc hai chục người này trình diễn vào những buổi lễ, buổi hát do hội tổ chức tại hội quán và tại nhà Hát lớn Đô thành.

Năm 1941, ông mới bắt đầu soạn nhạc. Ông cho biết, ông rất chú trọng về loại nhạc thuần túy, chủ tâm là nâng cao trình độ thưởng thức nhạc của thính giả Việt, các tác phẩm của ông đã được các nhà xuất bản trong nước và ngoại quốc ấn hành như Tinh Hoa, An Phú, Hương Thu, Huỳnh Lâm, SEMI tức là Société d’Editions de Musique Internationale - Hội các nhà xuất bản Quốc tế về Âm nhạc. Riêng các bài sáng tác thuộc các loại hòa tấu khúc, độc tấu dương cầm, song tấu dương cầm và vĩ cầm đã được chính ông trình bày nhiều lần trên sân khấu các nhà hát lớn ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Nam Vang, Huế, Hải Phòng, Hà Nội và lại được Trần Văn Khê, Võ Đức Lang trình bày ở Pháp. Loại ca khúc được các ban nhạc trình bày nhiều lần trên làn sóng điện các đài phát thanh trong nước và ngoại quốc và đã thu thanh vào dĩa thương mại của những hiệu dĩa Oria, Việt Nam, Philip.

Liên tiếp các năm 1948, 1949, 1950, 1951, ông cùng nhạc sĩ Lê Thương đưa “Xuân Thu nhạc kịch” ra mắt khán giả tại các nhà hát lớn ở Thủ đô và tại Nam Vang. Và trong những năm 1951, 1953, 1954, ông thường được mời trình tấu nhạc tại các nhà hát lớn Huế, Hải Phòng, Hà Nội với ban hợp ca Thăng Long và ban Gió Nam.

Năm 1955, ông dự Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế tại Nam Vang cùng phái đoàn Văn nghệ Việt Nam,và ông được bầu làm chủ tịch bộ môn Tân nhạc trong Đại hội Văn hóa toàn quốc.

Năm 1958, ông viết nhạc cho hai cuốn phim Việt: Sự tích Trầu Cau Áo dòng đẫm máu do hang Mỹ Vân sản xuất.

Năm 1959, ông đứng ra tổ chức một ban nhạc Biệt thể cho đài phát thanh Quốc gia và đài phát thanh Quân đội.

Vào năm 1963, trả lời phỏng vấn của Nguyễn Ngu Ý trên tạp chí Bách Khoa, ông thố lộ tâm tư: …, tôi chỉ là một nhạc sĩ yêu chuộng tự do và lúc nào cũng có một đời sống hoạt động độc lập, vì thế nên tôi không có những ước vọng quá xa vời. Tôi chỉ mong mỗi ngày có công việc làm để nuôi sống gia đình và được sống gần gũi với dân chúng và thiên nhiên để trong những sáng tác phẩm của mình, được nói lên đời sống thực tại của xã hội. Nhưng tôi rất hy vọng rằng nhạc Việt nói chung và Tân nhạc nói riêng sẽ sống mạnh và sẽ được tiến triển nhiều hơn khi nước nhà được thống nhất và thanh bình trở về với chúng ta.

Võ Đức Thu mất vào tháng 9 năm 1964 tại nhà số 27 đường Bùi Chu, Quận 1, Sàigòn, thọ 53 tuổi.

Nhạc sĩ Võ Đức Thu là một trong những nhạc sĩ lão thành của nền Tân Nhạc Việt Nam. Ông đã sáng tác từ thời phôi thai của nền Tân Nhạc Việt Nam.

Nhạc phẩm:

- An Phú Đông
- Bình minh ca khúc
- Đoàn ngư
ời trên biển cả
- Đồng quê
- H
ồn quê
- Mưa đêm thu
- Nh
ớ ai
- Nhớ người ca vắng
- Quyết tiến
- Tống biệt


Tài liệu tham khảo:

- Bách Khoa phỏng vấn nhạc sĩ Võ Đức Thu Web: dactrung.com

Nhạc phẩm Quyết tiến hợp ca

https://www.youtube.com/watch?v=yzPZsGx9KMM





Nguyễn Hữu Ba





(1914-1997)
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba sinh năm Giáp Dần (1914) tại làng Đạo Đầu, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.  Ông sinh ra trong một gia đình có sáu anh chị em và ông là người áp út. Trong 6 anh chị em, ai cũng biết đàn biết hát, trong đó có người anh cả Nguyễn Hữu Xướng chính là người thầy dạy đàn bầu cho ông lúc ông lên 7 tuổi và người chị ruột Ngọc Lan (Nguyễn Thị Dung) là một danh ca của nhạc tài tử thính phòng Huế. Thân phụ ông là người Nho học, yêu thích bát bội và khá rành về nhạc lễ cung đình, mẹ ông là người ứng tác khá hay trong những buổi hò đối đáp và biết nhiều điệu múa dân gian. Cha mẹ ông đến với nhau cũng từ những buổi sinh hoạt văn nghệ dân gian, cúng lễ.

Thuở nhỏ, tạng người gầy ốm, ông được những người thân yêu gọi với cái tên thân mật là Cọt Nậy. Mẹ ông mở một quán nhỏ bán tạp hóa trong nội thành Quảng Trị, gia chủ yêu âm nhạc nên khách của quán có rất nhiều bạn bè trong giới nghệ sĩ dân gian. Những ban đàn, nhóm hát, ban nhạc lễ ở Quảng Trị và Huế thường ghé nhà của ông bà, có nhiều nhóm lưu trú nhiều ngày. Trong những lúc tập dợt, họ không biết rằng có một cậu bé đang say sưa theo dõi theo những ngón đàn khi họ dạo trên những những cung tơ, cậu bé đó chính là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba – một trong những nhà hoạt động âm nhạc truyền thống của thế kỷ 20 đã có nhiều đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc.

Với niềm say mê âm nhạc vốn có, từ 6 tuổi, ông đã học lóm những ngón đàn của các nghệ nhân. Thấy con mình có năng khiếu, cha ông đã lưu tâm hướng dẫn, dạy dỗ. 3 năm sau, ông đã có những ngón đàn thành thạo và đã trở thành anh thầy đàn “nhí” dạy nhạc cho các gia đình giàu có trong vùng. Nguyễn Hữu Ba tiến bộ khá nhanh trong âm nhạc. Năm 11 tuổi, trong một đợt lưu diễn đến kinh đô Huế cùng người chị là Ngọc Lan, hai chị em được công chúng nhiệt liệt tán thưởng và điều quan trọng hơn là ông đã lọt vào “tầm ngắm” của các nghệ nhân lão luyện của đất kinh kỳ. Tại đây, ông có điều kiện tầm sư học đạo với những tay đàn trứ danh của kinh đô nhạc lễ, nhạc thính phòng Việt Nam thời bấy giờ, trong đó có các danh cầm nổi tiếng như ông Cả Soạn, ông Ưng Biều (cháu nội của vua Minh Mạng), ông Ngũ Đại (tức Vĩnh Trân – con của vua Thành Thái). Từ thời điểm này, ông tham gia sinh hoạt và nổi tiếng trong nhiều nhóm đàn, nhóm ca tại Huế và Quảng Trị.

Năm 1930, khi vừa tròn 16 tuổi, ông được xem là một trong những tiếng đàn trẻ đầy triển vọng trong làng nhạc tại Huế. Cũng trong năm này, ông cùng với các nghệ sĩ đờn ca khác như: Tôn Út, Ngọc Lan, cô Nhơn… được hãng Béka (Đức) mời thu âm vào đĩa 78 vòng. Đây được xem là đĩa nhạc truyền thống sớm nhất của Việt Nam, đĩa này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Nhân chủng học Paris. 

Năm 23 tuổi (1937) ông đoạt giải nhất về đàn nhị trong một cuộc thi âm nhạc nhân dịp tổ chức Hội chợ tại Huế và cũng từ đây ông không còn đàn ca trong các ban đờn ca nữa mà định cư ở Huế và chuyên giảng dạy, nghiên cứu, sáng tác. Trong thập niên 40, ông sáng tác rất nhiều ca khúc như: Quảng đường mai, Chiều thu… 

Nhưng có lẽ đóng góp lớn nhất của ông là trên lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu. Ông viết nhiều sách về các bản đàn cho nhiều loại nhạc cụ như: Tự học đàn nguyệt, Bài đàn tranh, Dân ca Việt Nam…

Năm 1956, thành lập Trường quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, ông là sáng lập viên ngành Quốc nhạc và phụ trách giám học. Thời gian ở Sài Gòn ông còn giảng dạy ở một số trường khác như Đại học Văn khoa, Đại học Vạn Hạnh… Tại Sài Gòn, vào năm 1960, ông lại thành lập Tỳ Bà Viện, như Tỳ Bà Trang ở Huế. Năm 1970, ông về làm giám đốc Trường quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế và giảng dạy ở Đại học Văn khoa Huế. 

Người ta biết Nguyễn Hữu Ba là nhạc sư cổ nhạc, hơn là nhạc sĩ tân nhạc, ông mất tại Sàigòn ngày 14-7-1997. Thọ 83 tuổi.

Trong bài: Nguyễn Hữu Ba - Nhạc sư- Nghệ Sĩ Ưu Tú, tác giả GS Lê Văn Hảo đã viết:

…. Ba mươi chín năm sau khi đĩa hát Ca nhạc Huế của hãng Béka ra đời, đĩa hát Ca nhạc Huế do Unesco bảo trợ và cho phổ biến khắp thế giới là một thành tựu mới đáng tự hào của nhạc sư Nguyễn Hữu Ba, một trong những người có công lớn đối với sự nghiệp bảo vệ và giới thiệu di sản âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam.

Nhạc phẩm:

- Quãng đường mai (tự xuất bản, 1940)
- Xuân xuân (Viện Tỳ Bà, 1947)
- Lửa rừng đêm (Viện Tỳ Bà, 1947)
- Thu khói lửa (Tinh Hoa, 1950)
- Tiếng hát quân Nam (Viện Tỳ Bà, 1950)
- Ánh dương trời Nam (Viện Tỳ Bà, 1951)
- Chiến đấu đến cùng
- Gọi hồn quê
- Nhịp sống ngày xanh
- Sầu đông
- Chiều thu… 

Tác phẩm:

- Tự học đàn nguyệt (tự xuất bản, 1940)
- Bản đàn tranh (cổ nhạc) (Viện Tỳ Bà, 1951)
- Vài thiên kiến về âm nhạc (lý thuyết) (Viện Tỳ Bà, 1950)
- Nhạc pháp Quốc học (Viện Tỳ Bà, 1960;)
- Bản đàn tranh (Viện Tỳ Bà, 1962)
- Đàn Tỳ Bà (Viện Tỳ Bà, 1962)
- Đàn độc huyền  (Viện Tỳ Bà, 1962)
- Đàn nhị huyền (Viện Tỳ Bà, 1962)
- Bài ca Huế (Viện Tỳ Bà, 1962)
- Phương pháp học đàn tranh (Viện Tỳ Bà, 1962
- Dân ca Việt Nam (BQGGD-VNCH, 1961)
- Dĩa nhạc Việt Nam I (UNESCO thu âm và phát hành, 1969) 

Tài liệu tham khảo:

- Nguyễn Hữu Ba Web: Wikipedia
- Nguyễn Hữu Ba Web: mrmai.net

Nhạc phẩm Thu khói lửa do Ngọc Cẩm Nguyễn Hữu Thiết trình bày

https://www.youtube.com/watch?v=FuuisBUbmMY


Wednesday, April 27, 2016

Xuân Lôi





(1917-2013)

Nhạc sĩ Xuân Lôi, tên thật là Phạm Xuân Lôi, sinh ngày 17 tháng 10, 1917 tại Hà Nội. Thân phụ ông là Phạm Xuân Trang, cũng là nhạc-sĩ, từng theo học nhạc cổ Trung Quốc với các ban nhạc Tàu và cũng có lập ban nhạc đi trình diễn. Trong nhà có tấ cả là 6 anh em : Xuân Thư, Xuân Oai, Xuân Lôi, Xuân Tiên, Xuân Khuê và Xuân Tuấn. 

Khi còn nhỏ, Xuân Lôi đã nắm vững kỹ thuật nhạc khí Tàu và thông thuộc bài bản Tàu, đã cùng người em là Xuân Tiên đi đàn cho gánh hát chèo Lương Tố Như (1942-43). Ông đàn rất nhiều nhạc khí nhưng chuyên về saxo. Đã cộng tác với các vũ trường ở Hà Nội như Lucky Star, Moulin Rouge, Victory, Hotel Splendide (1945-46), Văn Hoa (1951), và Le Coq d'Or (1952).

Sau khi vào Saigon, từ 1953 tới 1975, nhạc sĩ Xuân Lôi đã đàn cho các vũ trường Kim Sơn, Hòa Bình, Bồng Lai, Văn Cảnh, Mỹ Phụng, Maxim's. 

Ban Nhạc 5 anh em chụp ở Ðống Nam.
Xuân Khuê, Xuân Thư, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Xuân Oai

Từ 1957 tới 1975, ông đã làm nhạc trưởng ban nhạc Xuân Lôi cho đài phát thanh Saigon và làm nhạc trưởng ban nhạc Hương Xa của đài phát thanh Quân Đội.

Từ năm 1976 tới 1985 ông đàn tại vũ trường Rex ở Saigon.

Nhạc sĩ Xuân Lôi chiếm hai giải thưởng: Năm 1958: giải nhất cho bản nhạc Tiếng Hát Quê Hương do bộ Thông Tin tổ chức.

Năm 1961: giải nhất cho bản nhạc Bài Hát Cho Người Tự Do do đài phát thanh Quân Đội Saigon tổ chức.
Ngoài tài đàn và sáng tác nhạc, ông còn sáng chế nhạc khí. Năm 1950, ông đã cùng người em là nhạc sĩ Xuân Tiên sáng chế ra cấy sáo tre 10 lỗ và 13 lỗ.

Năm 1976, ông trình bày lần đầu tiên ở Saigon cây đàn XuânLôiphone gồm 39 lon bia bằng thiếc (một loại đàn gõ) với ba bát độ.

Năm 1987, nhạc sĩ Xuân Lôi tới định cư tại Pháp. Ông tiếp tục đàn trong các buổi sinh hoạt cộng đồng người Việt tại Pháp.

Ông làm xong cây đàn XuânLôiphone thứ nhì tại Pháp vào ngày 30 tháng 12, 1991 và trình diễn lần đầu cây đàn này tại Paris vào dịp ra mắt hai quyển sách Dạy Đàn Tranh, và Tuyển Tập Ca Khúc Xuân Lôi vào tháng 4, 1996 với sự có mặt của hầu hết ca nhạc sĩ Việt Nam tại Pháp.

Ông đã sáng tác 180 bản nhạc hoặc một mình hoặc với sự cộng tác của Xuân Tiên, Y Vân, Nhật Bằng, Dương Thiệu Tước hay Lữ Liên.

Nhạc sĩ Xuân Lôi cư ngụ tại thành phố Clichy ngoại ô Paris, thỉnh thoảng tham gia vào các chương trình sinh hoạt văn nghệ trong cộng đồng người Việt ở Paris.

Trong bài Xuân Lôi : một nhạc sĩ vẹn toàn, một cuộc đời trong hai thế kỷ... Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đã viết:

Xuân Lôi là một nhân vật phong thái, được trời phú cho nhiều tài năng, một người yêu nhạc đã bắt đầu học hỏi ngay từ lúc 6 tuổi (1923) trong không khí gia đình thấm nhuần văn học nghệ thuật vì thân phụ Phạm Xuân Trang là một nhạc sư biết nhiều nhạc và nhạc khí Trung Hoa tân và cổ điển. Theo tôi, Xuân Lôi trước hết là một nhà soạn nhạc lẫy lừng, tác giả 126 ca khúc trong đó “Nhạt Nắng” vang bóng một thời và Tiếng Hát Quê Hương, Giải Nhất năm 1958 dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa VN, được Bộ trưởng Thông tin Văn hóa Trần Chánh Thành long trọng trao phần thưởng. Ba năm sau (1961), tác phẩm “Bài Hát Của Người Tự Do” của ông cũng đoạt Giải Nhất trong cuộc thi sáng tác do Đài ‘’Tiếng Nói Quân Đội’’ tổ chức.

Nhạc sĩ Xuân Lôi tạ thế lúc 8 giờ ngày 29 tháng 8 năm 2006 tại Paris. Hưởng thọ 89 tuổi.

Nhạc phẩm:

- Ánh sáng miền Nam (Nhật Bằng-Xuân Lôi)
- Bài hát của người tự do (Y Vân - Xuân Lôi)
- Nhạt nắng (Y Vân - Xuân Lôi)
- Tiếng hát quê hương (Y Vân - Xuân Lôi)
- Về Làng cũ  (Nhật Bằng-Xuân Lôi)

Tác phẩm:

- Dạy Đàn Tranh
- Tuyển Tập Ca Khúc Xuân Lôi
- Hồi ký

Tài liệu tham khảo:

- Trần Quang Hải Cuộc đời nhạc sĩ Xuân Lôi Web: dactrung.com

Nhạc phẩm Nhạt nắng do ca sĩ Giáng Tiên trình bày

https://www.youtube.com/watch?v=y4GOPlG_Cx8